Tác giả bài viết: Tiến sĩ NGUYỄN THỊ HOA XINH
Đến Nam bộ ngay từ buổi đầu mở mang khai phá và trong suốt quá trình lịch sử hơn 300 năm, người Hoa đã có nhiều đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế và văn hóa của Nam bộ. Để nghiên cứu về người Hoa, có thể tiếp cận từ nhiều góc độ như: lịch sử di dân, về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội…; bài viết này chọn hướng tiếp cận nghiên cứu về trang phục của người Hoa nhằm góp thêm vào cách nhìn toàn diện và sâu sắc về cộng đồng đặc biệt này. Nghiên cứu về trang phục cũng là nghiên cứu một nét đặc trưng trong đời sống văn hóa của người Hoa ở Việt Nam nói chung và ở Nam bộ nói riêng.
1. Vài nét về lịch sử di dân và sự phân bố dân cư của người Hoa ở Nam bộ
1.1. Lịch sử di dân của người Hoa
Người Hoa có mặt ở Việt Nam từ rất lâu đời, vì Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có chung một biên giới địa lý dài, có mối quan hệ lịch sử – văn hóa, đồng thời những cuộc di dân cũng diễn ra trong lịch sử.
Người Hoa bắt đầu di cư vào Việt Nam kể từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Tuy nhiên, trong những năm đó, họ chỉ là những cá nhân lẻ tẻ định cư ở vùng đất mới chứ chưa tụ thành một lực lượng kinh tế – xã hội đáng kể. Từ đầu công nguyên đến thế kỷ XVI, người Hoa đã di cư đến Việt Nam bao gồm nhiều thành phần như: thương gia, binh lính, các lãnh chúa, thợ thủ công, những cựu thần của các triều đại phong kiến phương Bắc thất thế, những tội phạm bị kết án, những võ quan bị tội đồ… Lúc đó do cơ sở kinh tế của họ còn yếu, số phụ nữ trong các đoàn di cư còn ít nên quan hệ hôn nhân cũng chưa đủ điều kiện thực hiện trong từng nhóm người Hoa riêng biệt, vì vậy họ dễ bị hòa tan những cộng đồng cư dân bản địa.
Nhưng đến giữa thế kỷ XVII, với nhiều đợt di cư tập thể đến miền đất phía Nam Việt Nam, họ đã trở thành một bộ phận của người Hoa trên đất Việt Nam. Nguyên nhân chính của những đợt di cư tập thể là do vào thời gian này, ở Trung Quốc, lợi dụng sự suy yếu của triều đình nhà Minh, các bộ lạc du mục Mãn Châu đã tập hợp lại thành một quốc gia hùng mạnh tìm cách thôn tính Trung Nguyên. Quân xâm lược đã chiếm được toàn bộ miền Bắc Trung Hoa một cách dễ dàng và được đánh dấu bằng sự lên ngôi của triều đại Mãn Thanh. Sự sụp đổ của nhà Minh khiến cho nhiều cận thần và thuộc hạ của triều đình cùng với cư dân ven biển phiêu bạt về phương Nam. Đó là những đợt di cư tập thể của người Hoa xuống Đông Nam Á, đưa họ đến Việt Nam, Malayxia, Indonexia, Campuchia, Thái Lan… Làn sóng di cư vào Việt Nam trong thời gian này, trước hết phải kể đến nhóm người Hoa di cư đến Hà Tiên – còn gọi là vùng đất Mang Khảm vào năm 1671 do Mạc Cửu dẫn đầu cùng với những người tị nạn và gia thuộc của họ, khoảng 400 người. Nhóm thứ hai, vào năm 1679, khoảng trên 3.000 binh lính cùng gia đình họ với trên 50 chiến thuyền đã đổ bộ ở cửa biển Tư Dung và cửa biển Tư Hiền (Đà Nẵng). Đây là hai đoàn quân – một đoàn do Trần Thượng Xuyên là Tổng binh các châu Cao Liêm, Lôi Liêm tỉnh Quảng Đông cùng với phó tướng Trần An Bình chỉ huy; một đoàn do Dương Ngạn Địch là Tổng binh trấn thủ đất Long Môn tỉnh Quảng Đông cùng phó tướng Hoàng Tiến chỉ huy. Họ đều là những người làm quan dưới triều nhà Minh, không chịu hàng phục nhà Thanh nên đã đến Việt Nam xin chúa Nguyễn cho tị nạn chính trị. Chúa Nguyễn lúc đó là Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) đã biệt đãi họ rồi cho người đưa vào khai phá miền đất mới là vùng đồng bằng sông Cửu Long, với nhiệm vụ duy nhất là đóng các thứ thuế ruộng đất theo quy định hiện hành.
Mùa xuân năm 1698, chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam để hoạch định ranh giới và phân chia thành quận huyện mới nhằm quy tụ dân chúng. Đối với người Hoa, nhà nước phong kiến đã quyết định tập trung họ vào những vùng cư trú riêng biệt. Các làng xã Trung Hoa được mở mang và phát triển rất nhanh sau đó nhờ có sự gia nhập của những đoàn người buôn bán và thợ thủ công từ bên Trung Quốc sang.
Đến cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược và biến Nam kỳ thành một xứ thuộc địa, tình hình di dân của người Hoa vẫn tiếp tục phát triển. Vì cần nhiều nhân công để khẩn hoang và khai thác tài nguyên ở đây nên thực dân Pháp khuyến khích việc nhập cư. Những người nhập cư Trung Hoa được hưởng quyền tự do đi lại buôn bán trong xứ thuộc địa, được quyền sở hữu mọi thứ của cải cùng với mọi động sản và bất động sản… Với những chính sách khuyến khích nhập cư của chính quyền thực dân Pháp đã thu hút ngày càng nhiều những người nhập cư từ Trung Quốc sang. Đến năm 1906, do làn sóng di cư quá ồ ạt nên chính quyền thực dân Pháp đã áp dụng những biện pháp hạn chế đối với sự nhập cảnh đông đảo của những người nhập cư. Từ năm 1949 trở đi sư nhập cư của người Trung Hoa gần như đình chỉ, vì sự thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Nhìn lại lịch sử di dân của người Hoa đến miền Nam Việt Nam, ta có thể thấy nổi lên một số điểm: người Hoa di dân đến miền Nam Việt Nam liên tục trong nhiều thế kỷ – đặc biệt từ cuối thế kỷ XVII cho đến những năm đầu thế kỷ XX. Người Hoa di dân đến miền Nam Việt Nam phần lớn là những người lao động nghèo từ nhiều địa phương khác nhau gần biên giới Việt Nam, chủ yếu là các tỉnh: Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và gồm các nhóm ngôn ngữ địa phương như: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Hẹ. Chính đặc điểm này đã dẫn đến tính phong phú về nghề nghiệp và thành phần giai cấp trong nhóm người Hoa. Đặc biệt là họ biết phát huy sở trường đi biển và truyền thống buôn bán của nhân dân vùng ven biển Hoa Nam vào quá trình phát triển kinh tế thương mại ở nơi cư trú. Họ rất nhạy bén, linh hoạt, biết cách thích ứng với từng điều kiện xã hội cụ thể sao cho phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế ở từng nơi có lợi cho họ.
1.2. Phân bố dân cư của người Hoa
Người Hoa tại Việt Nam sinh sống ở nhiều nơi từ Bắc đến Nam, ở cả nông thôn lẫn thành thị.
Theo thống kê điều tra dân số năm 1999, tổng số dân tộc Hoa tại Việt Nam là 862.371 người, chiếm tỷ lệ 1,13% dân số ở Việt Nam. Dân tộc Hoa được xếp hàng thứ tư, trong đó có khoảng 50% người Hoa sinh sống tại vùng Chợ Lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Họ tập trung đông nhất ở các khu thương mại trong Quận 5, Quận 11 với khoảng 45% dân số của mỗi quận; ngoài ra còn có một số người sống ở tại các Quận 6, Quận 8, Quận 10. Người dân tộc Hoa có 5 nhóm ngôn ngữ chính là: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và tiếng Khách Gia (Hakka, đôi khi còn gọi là tiếng Hẹ). Số người Hoa còn lại sinh sống ở các tỉnh khác trên toàn quốc nhưng hầu hết là ở nhiều tỉnh của miền Tây Việt Nam. Năm 2003, dân tộc Hoa ước tính có khoảng 913.250 người.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Hoa ở Việt Nam có dân số 823.071 người, có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố. Họ cư trú tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh 414.045 người, chiếm tỷ lệ 50,3% tổng số người Hoa tại Việt Nam, tỉnh Đồng Nai 95.162 người, tỉnh Sóc Trăng 64.910 người, tỉnh Kiên Giang 29.850 người, tỉnh Bạc Liêu 20.082 người, tỉnh Bình Dương 18.783 người, tỉnh Bắc Giang 18.539 người…
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có hơn nửa triệu người Hoa – chiếm gần 18% dân số thành phố (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh có 8,99 triệu người1(1)) và giữ nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế quan trọng.
2. Trang phục của người Hoa ở Nam bộ
Có thể nói trang phục là nét văn hóa mà người Hoa lưu giữ lại khá rõ nét. Hình thức trang phục truyền thống thường phản ánh địa vị xã hội của người mặc.
2.1. Trang phục truyền thống của người Hoa
* Trang phục phụ nữ người Hoa
Trang phục truyền thống của phụ nữ người Hoa là chiếc áo thân dài quá mông không có túi, cài khuy tết bằng vải bên nách phải, áo có thể dài tay hay ngắn tay, song hò vạt phải vòng qua bên phải cài nút thắt, cổ áo cao, xẻ vạt hai bên hông. Quần của phụ nữ người Hoa ống hẹp, cao trên mắt cá chân; quần thường có nối cạp quần và có dây rút. Màu sắc trang phục (các thiếu nữ thích màu hồng hoặc đỏ) cùng với các màu đậm. Đi cùng có một chiếc khăn nhỏ trắng cài ở hò áo dùng để lau tay, lau mặt. Trong ngày lễ Tết, phụ nữ người Hoa thường mặc một loại áo váy mà người Việt quen gọi là “xường xám” (còn người Hoa gọi là “chuyền chỉ”). Xường xám là loại áo dài nữ, may theo kiểu xẻ tà, chiết eo, hò áo có một khuy vải hình hoa cúc và ở nách bên phải có 6 khuy bằng vải, không có ống tay hoặc ống tay ngắn, cổ áo đứng, cao khoảng 4cm. Có hai loại xường xám là áo dài quá mông, tà xẻ cao đến ngang hông và loại dài trùm đến gót chân, xẻ tà một bên trái tới quá đầu gối. Áo may bằng vải tơ tằm, sa tanh… màu xanh ngọc bích hoặc đỏ, hồng vàng. Riêng loại áo ngắn còn có một lớp lụa hay vải phin màu trắng lót bên trong.
Phụ nữ lao động người Hoa thường đeo một chiếc địu bằng vải để địu con, chiếc địu vải có tua quàng về phía trước. Đứa bé nằm trên lưng mẹ còn người mẹ làm việc và đi lại rất dễ dàng và thuận tiện.Phụ nữ người Hoa rất ưa thích dùng đồ trang sức, đặc biệt là vòng tay (bằng đồng, vàng, đá ngọc…), bông tai, dây chuyền…
* Trang phục nam giới người Hoa
Trong trang phục, cách ăn mặc của nam giới thường dùng quần áo như nam giới các dân tộc Nùng, Giáy, Mông, Dao…Nam giới người Hoa thuộc tầng lớp trung lưu thường mặc áo màu đen hay xanh đậm, cài khuy vải một bên, vai liền cổ đứng, xẻ tà hoặc kiểu áo tứ thân, xẻ giữa, cổ đứng, vai liền, có túi…; quần dài màu đen; đi giày gỗ hoặc hài gấm; đội nón quả bí màu đen. Cũng trong khoảng những năm 20, 30 của thế kỷ XX, ở vùng đất Nam bộ, thanh niên người Hoa con nhà giàu có khi ra đường đội nón nỉ, tay cầm ống vố, đua đòi như các cậu ấm con quan chức.
Nam giới người Hoa thuộc tầng lớp bình dân thường mặc loại áo ngắn gọi là “xá xẩu” là áo có hai vạt như áo cánh, tay lửng, nút áo bằng vải, cài ở giữa; tuy nhiên, trong khi làm việc họ ít khi cài khuy. Quần gọi là “quần tiều”, dài quá đầu gối một chút, ống rộng, thắt lưng bằng dải rút bỏ lòng thòng. Ngoài ra, họ luôn có một chiếc khăn rằn, đôi khi là khăn bông vắt ngang vai hoặc quấn quanh bụng dùng để lau mồ hôi khi nắng nóng hoặc làm việc. Họ đội nón đan bằng tre, rộng vành, đỉnh nón nhọn, đi guốc hoặc chân đất. Vào dịp lễ, Tết những người đàn ông Hoa đứng tuổi thường mặc một chiếc áo dài màu đen hoặc xám, tay cầm quạt, đội mũ chóp vải trùm đầu, chân mang giày vải, có người còn ngậm tẩu thuốc. Nam giới người Hoa thích bịt răng vàng và xem như một lối trang sức.
2.2. Trang phục lễ cưới cổ truyền của người Hoa
* Trang phục cô dâu người Hoa
Cô dâu mặc bộ áo cưới (xám khoành) màu đỏ bằng gấm thêu, dài chấm gối, chiếc áo ngắn bằng gấm ngũ sắc, cổ đứng, xẻ giữa, nút thắt to, tay áo dài và rộng để lộ chiếc áo trắng bên trong. Toàn bộ áo và xiêm được thêu nổi hình phụng “phùng xám” (áo phụng). Cô dâu còn đội thêm chiếc mũ cưới (mũ phụng), gồm hình chim phượng với các bông nhung đỏ đung đưa theo bước chân, phía trước mũ có chiếc rèm thưa bằng hạt châu để che mặt. Chân đi hài bọc gấm hoặc nhung thêu hoa.
* Trang phục chú rể người Hoa
Trang phục của chú rể là bộ xiêm và áo bằng gấm xanh, dệt chữ thọ hay chữ phúc. Áo của chú rể thêu rồng gọi là “lùng xám” (áo rồng). Áo kiểu thường dài, cổ áo cao, tay dài và rộng, cài cúc ở sườn phải hoặc ở giữa. Bên trong mặc áo trắng, trên đầu đội mũ quả bí hoặc mũ dưa hấu màu xanh sậm, chân đi hài bọc gấm. Giữa ngực chú rể có đính một bông hoa vải to màu đỏ, các dải dây buộc chéo vào người. Cũng có khi chú rể không cài hoa mà khoác bên ngoài áo dài một chiếc áo ngắn không tay, xẻ giữa gọi là “mạ hoa”.
2.3. Tang phục của người Hoa
Tang phục của các nhóm người Hoa cũng có nhiều điểm khác nhau.
* Tang phục của người Hoa Phúc Kiến được phân làm nhiều loại.
– Đối với con trai: áo dài đến chân không có nút, bên ngoài là một áo nhỏ ngắn (có cài nút vải), con trai cầm gậy bằng dong, tục xưa mặc áo vải bố bên ngoài nhưng hiện nay chỉ vá một miếng vải bố tượng trưng.
– Đối với con gái: cũng mặc áo dài, đội khăn ba góc nhưng có khâu một miếng vải bố trên khăn.
– Con rể mặc đồ tang màu trắng nhưng có một chấm đỏ để phân biệt họ không phải là con ruột. Ngoài ra còn một miếng vải trắng chéo qua thân, ở giữa chấm màu đỏ.
– Cháu nội thường đội khăn xanh có chấm xanh. Cháu nội đích tôn thì mặc áo dài màu vàng, khăn tang cũng màu vàng có chấm xanh.
– Cháu ngoại thì khăn tang có chấm đỏ…
* Tang phục của người Hoa Triều Châu có khác biệt.
– Theo phong tục con trai thường mặc áo bằng vải xô, bên ngoài là áo vải bố nhỏ, đội nón hình tam giác, đeo một chiếc túi 3 màu (xanh, đỏ, trắng) trong túi đựng những hạt đậu.
3. Một vài nhận xét
Việt Nam và Trung Quốc đã bắt đầu diễn trình giao lưu, hội nhập văn hóa từ rất sớm, vì vậy, việc hình thành cộng đồng Hoa ở Việt Nam đã sớm được định hình. Người Hoa đã được cộng đồng các dân tộc ở Nam bộ đón nhận chân tình bởi lẽ đại bộ phận người Hoa là những người lao động, là nông dân, thợ thủ công nghèo khổ, phải ly hương đi tìm đất sống. Quá trình cộng cư với các cộng đồng các dân tộc trên vùng đất Nam bộ, văn hóa Hoa đã có sự thẩm thấu, hội nhập, tiếp nhận và giao lưu với các văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer và các dân tộc anh em khác. Sống ở đô thị và quần cư với người Việt, trải qua nhiều năm tháng, trang phục của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay không khác mấy so với người Việt; trang phục truyền thống chỉ còn thấy ở phụ nữ trung niên hoặc tầng lớp người Hoa bình dân (Hình 1 và 2).
Đối với các địa phương ở xa khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn, nam nữ Hoa, Việt đều ăn mặc như nhau, khó phân biệt được. Phụ nữ người Hoa thường mặc quần vải, áo bà ba, đội nón lá, đi guốc gỗ như phụ nữ Việt. Chiếc áo bà ba được xem như một nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ, thực ra, đây là kiểu áo được du nhập từ đảo Penang (Malaysia) của người Bà Ba, tức người Hoa Mã Lai. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam thì chiếc áo bà ba xuất hiện và phát triển ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XIX2(1), cho đến nay vẫn được cả người Hoa và người Việt sử dụng. Có thể nói rằng, hình ảnh chiếc áo bà ba là một nét tiêu biểu cho sự tiếp thu, giao lưu văn hóa ở khu vực này.
Phụ nữ người Hoa thường để tóc thẳng, ngắn hoặc dài chấm vai, cũng có khi búi sau đầu và cài trâm không khác mấy người Việt, chỉ vài nét dị biệt nhỏ khi phải chăm chút kỹ lưỡng, búi tóc phụ nữ không tròn mà thường ép dẹp xuống.
Người Hoa có một kiểu nón hình dáng giống nón lá của người Việt nhưng được đan bằng mây hoặc tre, gọi là “tức lối”. Một kiểu khác cũng được làm bằng mây, tre, lỗ to như lỗ bội, chóp nhọn, rộng vành, ở giữa có lót lá tre. Chiếc nón này cả nam và nữ đều sử dụng.
Hiện nay, trang phục thường ngày của lớp trẻ người Hoa ở Nam bộ đã hoàn toàn không có sự khác biệt so với người Việt. Họ cũng mặc những trang phục gọn gàng như áo sơ mi, quần âu, áo bà ba, áo dài…. Trẻ em đến lớp cũng mặc những bộ đồng phục như trẻ em người Việt. Sự khác biệt chỉ thể hiện rõ nét nhất trong những dịp cưới hỏi, lễ, Tết khi người Hoa mặc những trang phục mang tính truyền thống của dân tộc mình (Hình 3, 4, 7, 8, 9). Tang phục của các nhóm người Hoa ở Nam bộ ngày nay cũng giản tiện nhiều so với trước kia. Tang phục của con trai người Hoa Triều Châu thường chỉ đeo một chiếc khăn tang màu trắng…Trải qua thời gian sinh sống ở miền Nam Việt Nam, nếp sống, ăn, mặc, ở… của người Hoa đã hình thành nên những nét mới, gần gũi với người Việt, với những tiến bộ của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, trong những mức độ, điều kiện nhất định, người Hoa ở Nam bộ vẫn bảo lưu được những truyền thống văn hóa của mình. Văn hóa của người Hoa ở Nam bộ là một phần trong tài sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Văn hóa của người Hoa đang được bảo tồn và phát huy, là sự góp vào nguồn lực phát triển vùng đất Nam bộ trong hiện tại cũng như trong tương lai.
__________
1 Minh Chiến, dân số Hà Nội đã vượt 8 triệu người, thành phố Hồ Chí Minh gần 9 triệu người. https://nld.com.vn/thoi-su/dan-so-ha-noi-vuot-8-trieu-nguoi-tp-hcm-gan-9-trieu-nguoi
2 Sơn Nam, Đất Gia Định xưa, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.194.
Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Quý độc giả xem ở tệp PDF đính kèm bên dưới.
Trích dẫn tệp PDF từ: http://vientrangphucviet.com/
Ban Biên tập https://sohoakhoahoc.com
Download file (PDF): Trang phục – Một nét đặc trưng trong đời sống văn hóa của người Hoa ở Nam Bộ (Tác giả: TS. Nguyễn Thị Hoa Xinh) |