Tác giả bài viết: HỒ VĨNH
(Năm 1996)
Sau khi thống nhất đất nước, năm 1802 vua Gia Long cho đặt đàn ở làng An Ninh để hiệp tế Trời Đất. Đến tháng 2 Gia Long năm thứ 5 (1806) mới chính thức xây dựng đàn Nam Giao ở xã Dương Xuân, cách Kinh thành Huế 3km về phía Nam. Lễ tế Nam Giao tổ chức lần đầu tiên tại đàn ấy vào năm Gia Long thứ 6 (1807), nhưng thời ấy chưa có quy định đồ tế phục. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) mới chế đồ tế phục của vua, đồng thời cũng quy định các thứ mũ, áo, xiêm cho các hoàng tử và các quan văn võ. Hàng năm cứ đến ngày lễ tế Nam Giao, tất cả các quan dự tế lãnh mũ, áo, mặc làm lễ tại Giao đàn, tế xong phủ Nội vụ có trách nhiệm thâu lại và cất vào kho để đến kỳ tế lễ năm khác mới lấy ra. Quy định này bắt đầu thi hành từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832).
Chúng tôi xin liệt kê các kiểu mũ, áo, xiêm, đai như sau:
* Tế phục của Vua:
– Mũ miện: đan bằng dây thau, bạt che ở trên là một tấm ván mỏng. Trên hình vuông, dưới tròn để đội vào đầu. Ngoài bọc lụa huyền, trong lót lụa màu đỏ, giữa đính hai chữ “Vạn thọ” bằng vàng, phía trước và sau thân mũ có 12 hình rồng vàng, 6 hình ngọn lửa cũng bằng vàng, hai tua rủ xuống, lại có thêm hoa sen và đám mây, 4 bên viền dây liên đằng có 256 hột vàng. Trước và sau có 24 tua rủ xuống, những dây tua đều bằng vàng có xâu 300 hột san hô, trân châu, pha lê và 400 hạt vàng.
– Cái trâm: bằng ngọc cắm vào búi tóc cho chặt để dễ đội mũ, thân dát một con rồng khảm trân châu, dây buộc bằng tơ vàng, hai mắt rồng khảm hột trân châu nhỏ. Hai bên có dây vàng rủ xuống đeo ngọc trân để giắt vào tai.
– Võng cân: khăn quấn ở trán để đội mũ cho chặt, dệt bằng tơ vàng.
– Hốt: cũng gọi là trấn khuê, bằng ngọc dài 1 thước hai phân, ngang 3 tấc, có túi đựng bằng gấm. (Hốt của vua bằng ngọc, của vương hầu bằng ngà voi, các quan khanh và đại phu bằng xương cá, kẻ sĩ bằng gỗ sơn trắng. Trong cái hốt có tấm gương để soi mà tu chỉnh hình dung).
– Áo long cổn: bằng sa màu thiên thanh, cổ tròn bằng đoạn bát tơ màu lục thêu hình phất trong lót lụa trắng. Thân áo thêu mặt trời, mặt trăng, sao, núi rồng, dưới thêu rồng mây sóng gợn. Hai tay thêu ai con rồng đầu quay xuống. Áo đơn ở trong màu bạch tuyết, khẩu tay thêu rồng mây.
– Xiêm: mặc ở dưới áo để che quần bằng sa màu vàng, thêu ngọn lửa, hạt gạo, các hình: phủ, phất, tôn di, cổ đồ, bát bửu. Dây liên đằng dưới viền gấm. Thân màu bảo lam đính hoa sen bằng vàng, trong lót sa màu vàng. Mảnh phía dưới băng lụa trắng đeo ngọc bội trắng. Ở trên đeo ngọc hành khắc hình con dơi, ở giữa đeo ngọc vũ tròn, hai bên đeo hai miếng ngọc cư vuông, dưới đeo cái khánh ngọc, gọi là xung nha, tả và hữu mỗi bên đeo một miếng ngọc huỳnh hình bán hguyệt. 5 thứ ngọc này đều màu trắng. Đầu mỗi miếng ngọc có một cái móc bằng vàng. Móc vào đấy 8 sợi dây, mỗi bên xâu hơn 200 hột vân mẫu, san hô, hổ phách. Khi đi lại lên xuống các mảnh ngọc và các thứ hột châu đụng chạm vào nhau phát ra tiếng kêu nhịp nàng.
– Phất tất: mặc ở bên trong xiêm nhưng dài hơn, để che và quỳ cho khỏi đau đầu gối, vì có độn bông. Trên rộng 1 thước, dưới 2 thước, dài 3 thước. Thêu rồng mây ngọn lửa, bốn bên thêu hoa mai chỉ bạc, có một cái móc và một cái khuy bằng vàng.
– Đai: làm bằng da bọc đoạn bát tơ màu vàng, giữa có một miếng ngọc trắng hình vuông, chung quanh 6 miếng ngọc hình trái trám đều bịt vàng, thắt ngoài áo, có 6 chân khuy để gài. Hai bên giáp nhau đính 392 hột ngọc châu.
– Dây đeo ngọc bội: bằng đoạn bát tơ màu thiên thanh thêu rồng mây sóng gợn. Phía trên hình bán nguyệt đoạn bát tơ đó thêu rồng mây. Trong lót lụa màu vàng, dưới kết các thứ ngọc, dây bằng nhung và kim tuyến. Hai bên có hai tua bằng trừu vàng đỏ và trắng, có 4 móc bạc và 7 khuy vàng.
– Hia: bằng đoạn bát tơ màu đen, thêu rồng mây liên đằng ngọn lửa. Hồi văn thêu kim tuyến, lại có đính gương. Bên dưới dùng tơ vàng kết hai con rồng bằng hạt trân châu, san hô, có hình cổ đồ đính bằng những miếng kính nhỏ. Mỗi chiếc nạm 3 miếng kim bồn, một viên ngọc hỏa tề và hai hột kim cương. Trong lót đoạn bát tơ màu đỏ.
* Tế phục của hoàng tử và hoàng thân (tước công):
Có 6 bộ đều mũ chín tua rủ xuống; áo, xiêm 9 kiểu vẽ.
– Mũ miện: dệt bằng lông đuôi ngựa, bạt che ở trên là một miếng ván, trước tròn sau vuông, ngoài bọc đoạn đen, trong lót nhiễu đỏ. Trước và sau có 18 dây tua, mỗi tua xâu 19 hột ngọc. Thân mũ viền kim tuyến, chung quanh phía trước có một hình núi, 3 bông hoa tròn, 4 con giao long đều bằng vàng.
– Trâm: bằng ngà bịt vàng, có chuôi hột cườm trắng xâu dây tơ đỏ rủ xuống, đeo ngọc trân để giắt vào tai.
– Võng cân: bằng lụa đỏ.
– Hốt: bằng ngà voi.
– Áo: bằng đoạn màu xanh, cổ tròn, ở tay thêu hai con rồng, đầu ngẩng lên, thân sau thêu núi, hai vai thêu ngọn lửa, chim trĩ, ve rượu, phía trước đính bố tử vóc đỏ thêu rồng 4 móng, dưới sóng gợn.
– Xiêm: bằng đoạn màu đỏ, giữa một miếng hình vuông, hai bên 6 miếng hình trái trám đều bằng đồi mồi bịt vàng.
– Dây đeo ngọc bội: bằng sa trắng có dây xâu hột cườm 3 sắc, đeo hai chùm hột châu và ngọc liêu.
– Hia: cũng như triều phục.
* Tế phục của các quan văn võ từ chánh nhị phẩm trở lên:
Có 7 bộ, đều mũ 6 tua rủ xuống, áo 5 kiểu vẽ.
– Mũ miện: cũng như mũ của hoàng thân, trước và sau có 12 dây tua, mỗi tua xâu 6 hột cườm xanh đỏ. Thân mũ phía trước chung quanh viền kim tuyến, có một hình núi, hai bông hoa tròn, hai con giao long đều bằng vàng.
– Trâm: bằng ngà
– Võng cân: bằng lụa đỏ
– Hốt: bằng ngà voi
– Áo: bằng đoạn màu xanh, vai và thân sau thêu bông hoa tròn, hột gạo, hai tay thêu cây rong, ve rượu. Phía trước áo quan văn, đính bố tử vóc đỏ thêu đám mây và chim nhạn; áo võ quan thêu con báo dưới sống gợn. Tục thường gọi là “văn cò, võ cọp”.
– Xiêm: băng lụa đỏ, phía trước và sau 7 bức, thêu hình cái phủ, cái phất.
– Phất tất: bằng đoạn màu đỏ, thêu hình núi.
– Đai: bằng da bọc màu đỏ, giữa một miếng vuông, hai bên 6 miếng hình trái trám bằng đồi mồi bịt đồng mạ vàng.
– Dây đeo ngọc bội: bằng sa trắng, xâu hột cườm hai sắc, đeo các thứ hột châu và ngọc liệu.
– Hia: cũng như triều phục.
* Tế phục của các quan văn từ nhị phẩm đến chánh tam phẩm:
Có 14 bộ, đều mũ 4 tua rủ xuống, áo xiêm 3 kiểu vẽ.
– Mũ miện: cũng như trên, trước và sau có 8 dây tua, xâu 4 hột cườm xanh và đỏ thân mũ. Phía trước chung quanh viền kim tuyến có một hình núi, hai bên hoa tròn đều bằng vàng.
– Trâm: bằng ngà.
– Võng cân: bằng lụa đỏ
– Hốt: bằng ngà voi.
– Áo: bằng đoạn màu xanh, cổ tròn, ở vai, thân sau và hai bên tay đều thêu bông hoa tròn, hột gạo, phía trước đính bố tử cũng như trên.
– Xiêm: bằng đoạn màu đỏ lạt, phía trước và sau 7 bức, thêu hình cái phủ cái phất.
– Phất tất: cũng như trên.
– Đai: cũng như trên.
– Dây đeo ngọc bội: cũng như trên.
– Hia: cũng như trên.
* Mục đích và ý nghĩa của phục tế cổn miện:
Lễ Nam Giao là lễ rất lớn, trọng nhất, nên vua đứng chủ tế, nhưng trường hợp vua bị đau thì quan khâm mang thay thế. Sách Đại Nam Thực Lục có chép, lễ tế Giao năm Ất Sửu (1865) vua Tự Đức sai Hiệp Biện đại học sĩ là Phan Thanh Giản tế thay. Theo Vũ Trụ Luận thì giờ Tý là giờ trời thành lập “Thiên khai ư tý, Địa tịch ư sửu, Nhân sanh ư dần”. Do đó giờ Tý được chọn giờ hành lễ (từ 1 giờ sáng). Khi vào hành lễ, vua phải bận áo long cổn đội mũ miện. Áo cổn màu thiên thanh, tay rộng và dài, thêu mặt trăng, mặt trời hình bát quái, ngũ nhạc, chim trĩ… Những hình này hợp lại tiêu biểu cho cả vũ trụ. Dưới lưng vua bận một miếng tế tất, .phía sau lưng thì miếng đại thọ, còn hai bên đeo một chuỗi dây vàng, có hình khánh, hình vuông… toàn bằng châu ngọc. Ngoài ra còn có dây đai choàng qua ngực và cách đai thắt ngang lưng, các dây đều có đính châu ngọc và dát vàng. Nhờ có tiếng kêu nhỏ của những miếng ngọc chạm vào nhau, nên vua có thể biết giờ hành lễ mau hay chậm, khéo hay vụng.
Mũ miện vua đội làm theo lối bình thiên, nghĩa là trên mặt có miếng vuông và phẳng, mặt trước và sau có 12 chuỗi ngọc tua xuống tiêu biểu cho 12 tháng trong một năm. Khi lạy hay khi đi thì các tua hột bị rung, thế là không nghiêm tỏ ý “thất lễ”. Do đó lúc hành lễ, từ vua cho đến các quan đều phải “nhất cử nhất động”.
Trong tễ Tế Giao, khi vua bước vào chiếu lạy, nếu vô ý mà hia vấp vào chiếu, các quan Đô Sát, Ngự sử có bổn phận đứng hầu để dò xét cử động của vua và cố quyền “tham” nghĩa là bắt lỗi vua, vua phải xin lỗi với Đô Sát, Ngự Sử bằng cách tạ tội trước các bàn thờ, còn các quan thì phải “liệt tích ký án” nghĩa là có lỗi phải ghi vào lý lịch.
Trái lại, khi vua vấp chiếu mà các quan Đô sát, Ngự sử không thấy, hoặc thấy mà bỏ qua, (chứng tỏ vua không có lỗi), tế xong vua sẽ trị tội các Đô sát, Ngự sử bằng cách giáng chức.
* Tìm hiểu lễ tế Nam Giao
Ba ngày trước khi đại tê’ (thời Bảo Đại rút lại còn 1 ngày).
Vua ngự đại giá lên Trai cung để trai giới và dự bị hành lễ.
Các quan trợ tế thì ở lại trong các nhà tranh làm tạm ở chung quanh đàn Nam Giao (Vua, Bồi tế, Phân hiến, trước đó 3 ngày đều ăn chay). Đến hôm đại tế gần giờ Tý, vua ngự ngọc liễn từ Trai cung qua cửa phía Tây, lúc bấy giờ chuông ở Trai cung đánh mãi cho đến khi vua tới Giao đàn. Đi đầu có thị vệ cầm đèn lồng, quạt lông, hai quan văn võ cầm kiếm và mấy vị đại thần …
Đạo ngự quanh sang hướng Nam, rồi lên tầng thứ ba đàn Nam Giao về phía bên hữu, vua sẽ làm lễ Quán tẩy tại nhà đại thứ, lễ Quán tẩy tức là lễ rửa tay, lễ này do một vị đại thần bưng thau và một vị khác dâng khăn đỏ để vua lau tay. Xong vua sang Hoàng ốc tức là tầng hai – (Phương Đàn) làm lễ nghinh thần trước ngoại hương án. Trong khi vua hành lễ thì có 3 hồi trống, kế tiếp là ba hồi chuông, rồi các vị Nội tán, Thông tán bắt đầu xướng tế. Khi xướng tế đến “Phần sài” thì tại liệu sở bắt dầu thui con nghé, củi để thui con nghé dùng toàn gỗ quế, một ít lông và huyết nghé sẽ được chôn yểm một nơi gọi là Ế sở. Quy định tế “tam sinh” (trâu, heo, dê) có từ năm Gia Long thứ 5 (1806). Vua hạ lệnh cho dân Quảng Đức (năm Minh Mạng thứ hai – 1821 đổi làm phủ Thừa Thiên) chọn mua một con trâu non và 8 con trâu đực nuôi ở chuồng rất tinh sạch để chuẩn bị cúng đại tế. Cũng cần nói thêm, theo lệ lễ tế Giao Duy Tân năm thứ hai (1908) Bộ Lễ phải lo mua trước 19 con nghé, 8 con trâu, 7 con dê, 7 con heo, 1 con bò và một con hươu.
Xong Phần sài và Ế sở, vua nghiêm chỉnh bước lên Thanh ốc (tầng nhất – Viên đàn), theo sau là các vị Chấp sự, Bồi tế, hai bên có 8 vị Phân hiến “từng đàn bát án” rồi đợi Thông tán xướng mà hành lễ.
Khi hành lễ tại Viện đàn, vua thường đứng trước nội hương án, hương án này bày trước hai hương án, một thờ Trời (Hiển thiên thượng đế) và một thờ Đất (Hoàng địa kỳ). Trên Viên đàn có dựng một cái nhà nhỏ gọì là tiểu thứ để vua ngồi một khi mỏi mệt. Tất cả lễ nghi trong lúc vua hành lễ đều do Nội tán xướng hầu, và nơi vua đứng đợi xướng gọi là Ngự lập vị.
Trước khi tế, các quan thi tập theo thứ tự, cung kính cất khăn lụa phủ trên các thần bài.
Lễ tập ngày 13-4-1942 quy định người nào muốn xem thì phải có giấy phép, phải ăn mặc chỉnh tề. Tuy nhiên giấy phép ấy không dược dùng để xem đại tế vào lúc 1 giờ sáng.
___________
1 Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục chính biên, tập X, Đệ nhị kỳ VI, Nhà xuất bản Khoa học Hà Nội, 1964, các trang 220-223, 336-339. Tập XXX (Đệ IV kỳ) trang 166.
2 Hồng Hoài Lê Văn Hoàng – lễ tế Nam Giao in ronéo, trang 12-18.
3 Linh Trúc – Lễ tế Nam giao, trang 27,36.
4 Nguyễn Tiến Lãng – Fête du Nam Giao, Imprimerie Dac Lap, 1942, PP 3-24.
Ghi chú: Hình ảnh đại diện cho bài viết do Ban Biên tập sohoakhoahoc.com thực hiện. Trích dẫn hình từ https://nghiencuulichsu.com/
Nguồn: Dấu tích văn hóa thời Nguyễn (tác giả: Hồ Vĩnh), NXB Thuận Hóa, 1996
Ban Biên tập https://sohoakhoahoc.com
Download file (PDF): Tế phục của vua quan triều Nguyễn (Tác giả: Hồ Vĩnh) |