ARCHITECTURE OF HOI PHUOC BAGODA
Tác giả bài viết: Thạc sĩ, Kiến trúc sư HUỲNH THỊ KIM LOAN
(Giảng viên, Khoa Kiến Trúc, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây)
TÓM TẮT
Kiến trúc Phật giáo tại Nam bộ đã được hình thành và phát triển gần 400 năm. Chùa là một biểu tượng của Phật giáo, một tôn giáo có tầm ảnh hưởng sâu sắc tại nước ta. Qua quá trình phát triển lịch sử thì nhiều công trình đã không còn giữ được hiện trạng như lúc sơ khai nhưng sự tu bổ mới cũng góp phần tạo nên giá trị cho công trình và Chùa Hội Phước là một trong những công trình như thế.
Bài báo này tập trung vào việc nhận diện các đặc điểm và giá trị trong kiến trúc chùa Hội Phước hiện tại. Dựa trên kết quả khảo sát và tìm hiểu lịch sử kiến trúc chùa Nam bộ, từng hạng mục kiến trúc được phân tích các đặc điểm về quy hoạch chung và bố cục tổng thể, bố cục không gian, vật liệu xây dựng và trang trí. Từ đó, những giá trị trong kiến trúc được nhận định làm cơ sở cho việc định hướng phát triển và công nhận giá trị của công trình trong tương lai.
Từ khóa: kiến trúc Phật giáo, chùa Hội Phước, Phật giáo.
ABSTRACT
Buddhist architecture in the South has been formed and developed for nearly 400 years. The pagoda is a symbol of Buddhism, a religion that has a profound influence in our country. Through the historical development process, many works have no longer kept their original status, but the new renovation also contributes to create value for the building and Hoi Phuoc Pagoda is one of such works. This paper focuses on identifying features and values in the current architecture of Hoi Phuoc Pagoda. Based on the results of surveying and learning the architectural history of Nam Bo pagoda, each architectural item is analyzed the characteristics of the general planning and overall layout, spatial layout, building materials and decoration. Since then, the values in architecture are identified as the basis for the development orientation and future recognition of the building’s value.
Keywords: Buddhist architecture, Hoi Phuoc pagoda, Buddhism.
x
x x
1. Quá trình hình thành và phát triển kiến trúc chùa ở Nam Bộ
Lịch sử phát triển của những ngôi chùa Nam Bộ gắn liền với tiến trình lịch sử của khu vực. Dựa nào cơ sở phân chia các mốc lịch sử trong cuốn “Kiến trúc Đình Chùa Nam Bộ” thì khu vực Nam bộ đã trải qua 7 giai đoạn phát triển như tóm tắt Bảng 1.
Nhìn chung, kiến trúc chùa tại Nam bộ ngày nay hầu hết đã không còn giữ được nguyên trạng như lúc khởi tạo mà đã được sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới theo xu hướng ngày càng hiện đại nhưng vẫn lưu giữ trong đó một số giá trị về tinh thần và kiến trúc phù hợp với sự phát triển của xã hội.
2. Lịch sử hình thành chùa Hội Phước (Nha Mân, Đồng Tháp)
Địa danh Nha Mân nơi công trình xây dựng được đặt theo tên con sông chảy ngang địa phận này. Nhưng về mặt hành chính thì Nha Mân là xã Tân Nhuận Ðông do sự kết hợp 3 làng Phú Nhuận, Tân Hựu, và Tân Hựu Ðông từ năm 1940. Chùa Hội Phước tọa lạc tại số 141 ấp Tân Lập, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Công trình có lịch sử hình thành từ năm 1842 đời vua Thiệu Trị. Người có công sáng lập ra ngôi tự viện này là Liễu Ngọc môn sinh của Tổ Tế Giác Quảng Châu tại Tổ Đình Giác Lâm – Sài Gòn. Ngôi chùa được hoàn thành sau hơn 40 năm xây dựng và được khánh thành vào năm 1884.
Công trình trãi qua nhiều lần trùng tu sửa chữa và có được diện mạo chỉnh trang, hài hòa như ngày nay phải kể đến dấu ấn của lần trùng kiến lân gần nhất từ 2011-2014.
Cho đến nay, sau hơn 170 năm hình thành, ngôi chùa này đã truyền qua 7 đời trụ trì và hiện tại Thượng tọa Thích Lệ Trang đang là vị trụ trì đang tiếp quản xây dựng cũng như tôn tạo công trình này.
Bảng 1. Các giai đoạn hình thành và phát triển của kiến trúc chùa tại Nam Bộ
(Nguồn: Tác giả)
Giai đoạn | Tiến trình lịch sử | Đặc điểm kiến trúc chùa |
Giai đoạn trước 1698 | Giai đoạn hình thành Nam bộ | Giai đoạn khởi dựng, mang tính dân gian hình thức tương tự kiến trúc Đình. |
Giai đoạn 1698 đến khởi nghĩa Tây Sơn 1776 | Các cơ sở hành chính được xác lập nhưng phải đương đầu với nhiều thiên tai. | Kiến trúc Chùa được xây dựng có qui củ hơn, được sự quan tâm của giai cấp thống trị. |
Triều đại Tây Sơn 1776 – 1802 | Nội chiến liên tục. Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được Gia Định, Phú Xuân. | Phật giáo phát triển, nhiều chùa được xây mới có giá trị về kiến trúc. |
Triều đại Nguyễn độc lập 1802 – 1858 | Xã hội phân chia 2 giai cấp: thống trị, bị trị mâu thuẫn gay gắt. | Kiến trúc chùa khá phát triển với nhiều công trình mới như: chùa Giác Viên, chùa Vĩnh Tràng… |
Giai đoạn Pháp thuộc 1858 – 1954 | 1858 Pháp chiếm nước ta, cuộc chiến tranh giành độc lập diễn ra đến 1954 giành chiến thắng. | Chùa bị tàn phá do chiến tranh và sự kỳ thị tôn giáo của Pháp. Chùa bị ảnh hưởng bởi kiến trúc Pháp. |
Giai đoạn Việt Nam bị chia cắt hai miền 1954 – 1975 | Miền Nam kháng chiến chống Mỹ. | Kiến trúc chùa phát triển mạnh ở các đô thị. Bố cục vẫn được giữ nhưng hình thức có phần thay đổi bị ảnh hưởng bởi kiến trúc phương Tây. |
Giai đoạn sau 1975 đến nay | Đất nước thống nhất. Toàn dân đẩy mạnh xây dựng và phát triển đất nước. | Giai đoạn đầu nhiều chùa bị tàn phá hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Đến 1990 kiến trúc chùa bắt đầu được quan tâm và phát triển với nhiều công trình được sửa chữa và xây mới. |
3. Quy hoạch chung và bố cục tổng thể công trình
Chùa Hội Phước là một quần thể công trình nằm ở vị trí khá yên tĩnh, cách trục đường chính gần 400m nhưng vẫn tiếp cận dễ dàng. Công trình bao gồm nhiều hạng mục như cổng tam quan, Tiền đường, Chính điện, Giảng đường, Tổ đường, Tăng xá, vườn tháp Tổ, gác chuông và một số hạng mục phụ khác.
Công trình được xây dựng trên một khuôn viên khá lớn khoảng 5.500 m2, các hạng mục chính được tổ hợp theo bố cục theo lối kiến trúc truyền thống của chùa Việt đó là dạng nội công, ngoại quốc. Trong đó, nội công là sự tổ hợp của các hạng mục quan trọng được bố trí ở trung tâm và tạo nên trục chính của toàn thể công trình đó là Tiền đường, Chính điện và Tổ đường. Bên cạnh đó, chữ quốc được hình thành từ các hạng mục Giảng đường, Tăng xá được bố trí cân đối, hài hòa quanh trục chính.
Một điểm khá khác biệt của công trình đó là trước khi tiếp cận công trình chính phải đi qua một đoạn đường làng với hai hàng cau thẳng tấp, muốn vào bên trong công trình phải qua ba cây cầu được nối liền với ba cổng của ngôi chùa.
Trên tổng thể nằm tách biệt với các hạng mục công trình chính đó là khu Vườn Tháp Tổ (khu một tháp) được bố cục về hướng Nam so với tổng thể công trình. Đây là nơi lưu trữ hài cốt của các bậc tiền nhân từng trụ trì tại ngôi chùa này qua các thế hệ. Khuôn viên công trình cũng được đầu tư nhiều trong việc tạo các cảnh quan sân vườn hồ nước tạo nên nhiều không gian tĩnh tâm thanh tịnh như hồ Quán Âm, sân thiên tĩnh,…
4. Kiến trúc công trình chùa Hội Phước (Đồng Tháp)
4.1. Cổng
Công trình có 3 lối vào với 1 cổng chính và 2 cổng phụ. Cổng chính được thiết kế với hình thức cổng tam quan, có dạng cổ lầu, mái 2 tầng được đặt trên nền cao 4 bậc, tạo nên ranh giới giữa trong và ngoài công trình. Phần cổng này được trạm trổ nhiều hoa văn công phu. Trên các đỉnh mái và đuôi mái được trang trí các tượng rồng. Điểm nhấn trên phần cổng là tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề. Cổng phụ với một lối đi có thể lưu thông xuyên qua với chức năng vận chuyển phương tiện và hàng hóa.
4.2. Tiền đường
Sau khi qua phần cổng và sân chùa thì lớp kiến trúc đệm trước khi vào Chính điện của công trình đó là Tiền đường. Không gian này giúp cho Chính điện được mở rộng giúp cho các sự kiện, lễ hội của chùa phục vụ được nhiều người hơn.
Tiền đường với lối kiến trúc 5 gian 2 chái chiều dài 24m được bố trí trên nền cao 6 bậc so với sân chính. Đây là một không gian trống, thông thoáng với nhiều lớp cột xếp thẳng hàng, trong đó lớp cột ngoài cùng là các cột đá được trạm trổ tinh vi với các chi tiết rồng trên thân cột trong khi các cột phía trong là cột gỗ được đặt trên các bệ đá, bên trên có treo các câu đối bằng chữ hán.
Ngay vị trí trung tâm của Tiền đường là tượng phật Di Lặc bằng đá trên bục gỗ và hai bên cánh biên là nơi đặt chương trống cùng các tượng thờ Hộ Pháp Chư Thiên, Diêm Nhiên Đại sĩ.
4.3. Chính điện
Chính điện là nơi thờ Phật cũng là nơi uy nghiêm nhất trong các công trình Phật giáo. Khác với không gian thoáng đảng chang hòa ánh sáng của Tiền đường thì Chính điện mang vẻ u tịch, làm cho không gian trang nghiêm và mang nét cổ kính, huyền bí.
Công trình có dạng bố cục 5 gian, 2 chái như phần Tiền đưởng phía trước nhưng Chính điện nổi bậc hơn với phần cổ lầu thể hiện sự hùng vĩ và tạo điểm nhấn trong quần thể công trình. Chính điện hay còn gọi là Đại Hùng Bảo Điện là tòa nhà trung tâm, nơi để Tăng chúng, tín đồ thập phương sinh hoạt Phật giáo.
Trong Chính điện thờ ba pho tượng tam thế Phật (Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai). Các tượng Phật này được điêu khắc bằng 3 khối đá Hải Nam Hoàng Hoa Lê Mộc có niên đại trên 2000 năm mang giá trị nghệ thuật và lịch sử lâu đời.
Hai bên của Chính điện là nơi đặt các pho tượng La Hán với rất nhiều biểu hiện cảm xúc khác nhau biểu hiện cho tất cả những cung bậc của cuộc sống mà con người phải trải qua. Các tượng này đều được điêu khắc lên các rễ cây Bách với dáng vẻ rất tự nhiên và thần thái có giá trị nghệ thuật cao.
4.4. Giảng đường
Giảng đường được chia làm 3 khu với khu giảng đường trung tâm giành cho tăng, ni còn 2 khu giảng đường ở hai bên là khu cho Phật tử tại gia. Nằm ngay sau Chính điện là Giảng đường, khối công trình này có dạng mặt bằng hình vuông, không gian thông thoáng 4 mặt không có tường ngăn chia. Phần mái của giảng đường được thiết kế với 2 tầng mái phía dưới và 1 cổ lầu phía trên, tuy nhiên phần cổ lầu này được thiết kế tương đối thấp để không nổi bậc hơn khối Chính điện phía trước. Khoảng không giữa các tầng mái và cổ lầu được thiết kế hở giúp cho việc thông gió tốt hơn. Trên phần mái cổ lầu có đặt tượng Bảo Châu Như Ý mang biểu tượng của sự soi sáng trong đạo Phật.
Đây được xem là nhịp cầu nối Chính điện với Tổ đường phía sau. Hai bên là 2 sân thiên tĩnh và Đông đường, Tây đường được bố trí đăng đối. Đây là nơi giảng pháp dành cho tăng ni.
Giảng đường phụ là hai khối nhà có chức năng là khu lớp học dành cho phật tử tại gia khi tham gia các khóa tu của chùa. Hình thức kiến trúc hoàn toàn giống nhau diện tích mỗi khối dài 29m và rộng 10m, hệ kết cấu bê tông giả gỗ, mái ngói âm dương tương tự như các hạng mục công trình khác. Bên Tây đường được bố trí tượng Bồ Tát Văn Thù, trong khi Đông Đường đặt tượng Bồ Tát Quán Tự Tại mang ý nghĩa về tri thức và tinh thần Phật pháp. Hai khối công trình này chỉ có 1 lớp mái với tường bao xung quanh 3 mặt có bố trí các cửa sổ và lam để thông thoáng. Mặt phía trong được để trống, gắn liền với sân thiên tĩnh và kết nối tốt với khu giảng đường chính ở trung tâm.
4.5. Tổ đường
Tổ đường có chức năng là nơi thờ các vị tổ khai sinh ra ngôi tự viện này. Ngoài ra, nơi đây còn thờ các vị Tổ của dòng thiền Lâm Tế qua các thời kì. Không gian thờ được bày trí tượng thờ của hòa thượng Liễu Ngọc được đặt ở vị trí trung tâm, phía trước là các ảnh thờ của các vị Tổ thuộc các giai đoạn gần đây, còn các vị Tổ trong các giai đoạn trước đó đều được tưởng niệm qua các bài vị được bày trí phía sau tượng thờ.
Với kết cấu tương tự như phần Chính điện với dạng 5 gian 2 chái, trên các cột được trang trí bằng các bộ liễn đối bằng chữ hán kết hợp với các bao lam bằng gỗ được trạm trỗ tinh vi. Không gian nội thất không có nhiều ánh sáng, mang màu sắc huyền bí trang nghiêm. Ánh sáng được chiếu sáng chủ động bằng các đèn treo trên các hệ dầm.
4.6. Một số hạng mục khác
a. Tháp chuông
Tháp chuông được bố trí gần cổng phụ, lệch về phía Đông trên tổng thể. Công trình có dạng mặt bằng hình vuông với 2 tầng chức năng và phần mái cũng được cấu tạo bởi 2 tầng mái và phần tháp nhọn phía trên với tổng chiều cao công trình là 20m. Tầng trệt là nơi đặt tượng Địa tạng Vương Bồ Tát, không gian giữa hai tầng được kết nối bằng khoảng thông tầng ở phần trung tâm. Chuông được đặt trên cao giúp âm thanh được lan tỏa và vang xa hơn trong không gian.
b. Hồ Quán Âm lộ thiên
Hồ Quán Âm lộ thiên nằm ở phía Tây Nam đối diện với tháp chuông trên tổng thể. Đây là một tiểu cảnh với phần hồ nước được trồng sen và súng để tạo cảnh quan. Điểm nhấn của khu vực này là ngọn đồi nhỏ được tạo nên từ các hòn đá cuội xếp thành hình dạng một con rùa, phía trên được đặt tượng Quán Âm đứng trên đài sen. Không gian này là nơi trãi lòng khi cư sĩ cần nơi thanh tịnh, cầu bình an.
c. Vườn tháp Tổ
Nằm ngay sau hồ Quán Âm lộ thiên là khu Vườn Tháp mộ, đây là nơi lưu giữ ngọc thân của các vị Hòa thượng có công trong việc sáng lập ngôi chùa này. Khu mộ tháp là một không gian khép kính với các cây xanh, sân vườn xung quanh, chỉ có một lối vào duy nhất đó là vượt qua cổng Niết bàn, một cổng nhỏ thể hiện ranh giới của hai cõi âm dương.
Các ngôi tháp mộ hầu hết có dạng mặt bằng hình lục giác và có 3 tầng mái, trên phần thân tháp được trang trí nhiều phù điêu và các nội dung ghi công trạng đóng góp của các vị Hoà thượng. Điểm nhấn trong khu tháp mộ đó là phần tháp mộ của Hòa thượng Liễu Ngọc tuy cũng có hình thức 3 cấp mái nhưng phần mái bằng mái ngói ngọc lưu ly nổi bậc hẳn so với các tháp xung quanh, bên cạnh đó mặt bằng của tháp có dạng hình bát giác khác hẳn tạo được nét đặc sắc riêng. Cảnh quan trong khu mộ tháp bình dị, nhẹ nhàng với các mảng cỏ kết hợp với phần sân gạch. Hai bên có phần suối nước tạo nên một nét “động” nhẹ nhàng trong một không gian tĩnh lặng.
5. Vật liệu, trang trí
Tổng thể công trình hài hòa với một màu đỏ cam của gạch xây và mái ngói vừa tạo được cảm giác gần gũi, bình yên và nét cổ kính cho công trình. Ngói âm dương được sử dụng trong công trình nhằm hướng đến điểm chung của các kiến trúc truyền thống và giúp công trình thoáng mát hơn. Mái ngói với độ dốc mái khá lớn giúp công trình thoát nước tốt và tạo nên nét cổ kính, phù hợp với kết cấu gỗ bên trong.
Các hạng mục chính như Chính điện, Tổ đường sử dụng giải pháp kết cấu gỗ với rất nhiều chi tiết trạm trỗ công phu tạo nên giá trị đặc sắc, nét độc đáo riêng như các bao lam, hoành phi cũng như các phần điêu khác tỉ mỉ trên cột cửa,… Trong khi các hạng mục phụ khác như Giảng đường, Tăng xá và các hạng mục phụ khác được sử dụng giải pháp kết cấu bằng bê tông cốt thép để tạo nên các không gian vượt nhịp lớn hơn và giúp tiết kiệm được chi phí hơn so với sử dụng kết cấu gỗ.
Tuy sử dụng hai loại kết cấu, vật liệu khác nhau nhưng bằng cách sử dụng màu sơn có màu tương đồng với gỗ làm cho công trình không quá khác biệt.
6. Kết luận
Chùa Hội Phước là một công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo của tỉnh Đồng Tháp, đáp ứng được đời sống tâm linh của người dân, hướng con người đến điều thiện phát huy tinh thần của triết lí “nhân quả”. Ngoài ra, công trình được đầu tư khá đồng bộ mang nhiều giá trị văn hóa và nghệ thuật tạo tiềm năng phát triển các phong cách kiến trúc khá chỉnh chu và khơi gợi nên nét riêng cho kiến trúc Chùa bắc tông tại Nam Bộ.
Công trình này trở thành một điểm nhấn không quá to lớn nhưng mang đầy giá trị về kiến trúc Chùa tại địa phương và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua những phân tích về chùa Hội Phước đã khái quát được quá trình phát triển của kiến trúc chùa tại Nam Bộ nói chung và vai trò của Phật giáo đối với đời sống tinh thần của người dân nói riêng.
Những giá trị vật thể và phi vật thể của kiến trúc chùa Hội Phước đã được làm rõ, tạo cơ sở cho việc định hướng và phát huy giá trị của công trình một cách hoàn thiện hơn trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Anh Dũng, Nguyễn Thị Lan (2014), Kiến trúc đình, chùa Nam Bộ, NXB Xây dựng, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Ngọc Lan (2009), Nhận dạng sự tiến hóa của kiến trúc chùa Việt- Một đại diện tiêu biểu của kiến trúc truyền thống Việt Nam, Luận án tiến sĩ kiến trúc, Trường đại học kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Võ Văn Tường (2007), Chùa Việt Nam xưa và nay, NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Chùa Hội Phước, http://chuahoiphuoc.net/
Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Qúy độc giả xem ở tệp PDF đính kèm bên dưới.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng, ISSN 2734-9888, 01.2021
Ban Biên tập https://sohoakhoahoc.com
Download file (PDF): Kiến trúc chùa Hội Phước (Tác giả: ThS.KTS Huỳnh Thị Kim Loan) |