Trang chủ » Ấn triện thời Nguyễn
triều Nguyễn

Ấn triện thời Nguyễn

Ấn hành chính huyện Thất Khê (Cao Bằng), đúc năm Thiệu Trị 1, 1841. (Hiện vật tại BTLSQG).
Chiếc ấn vàng đầu tiên của nhà Nguyễn là chiếc ấn thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Ấn khắc chữ “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn chi bảo” chiếc ấn này truyền đến các vị vua triều Nguyễn sau này. Vua Gia Long khi trao Quốc ấn cho Thánh tổ Nhân hoàng đế (Minh Mạng) có dặn rằng: “Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn còn cứ giữ trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này…”

Tác giả bài viết: HỒ VĨNH
(Năm 1996)

     Tháng 8 năm 1945, cựu hoàng Bảo Đại – hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam làm lễ thoái vị, trao chiếc Quốc ấn cho vị đại diện chính phù lâm thời. Ông Trần Huy Liệu đã ngạc nhiên trước sức nặng của chiếc Quốc ấn: “Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên, tôi thấy không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc Quốc ấn, tôi đã phải chịu đựng hất ngờ cái khối trọng lượng của nó: “7 kg vàng”.

      Nhưng có lẽ chiếc ấn vàng đầu tiên của nhà Nguyễn là chiếc ấn thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Ấn khắc chữ “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn chi bảo” chiếc ấn này truyền đến các vị vua triều Nguyễn sau này. Vua Gia Long khi trao Quốc ấn cho Thánh tổ Nhân hoàng đế (Minh Mạng) có dặn rằng: “Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn còn cứ giữ trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này…” “Năm Canh Thìn Minh Mạng năm thứ nhất, Thánh tổ Nhân hoàng đế tự tay phong kín cất đi. Đến năm Đinh Dậu thứ 18, ngày 22 tháng Chạp lại mở ra xem một lần nữa, rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền cho ức muôn đời”(2).

     Trong 82 năm qua, qua 4 triều vua, nước Đại Nam vẫn còn độc lập tự chủ và có chủ quyền đối với các xứ lân bang. Buổi đầu trị vì, để giữ vững vương triều, vua Gia Long ra lệnh cho đúc những chiếc bảo ấn bằng vàng, ấn ngà, ấn đồng để dùng trong việc nội trị. Sơ bộ thống kê được 11 chiếc bảo ấn (Xem bảng thống kê, trang 11):

     Theo sách “Thủ” thì bảo ấn của vua nặng từ 200 lượng trở lên. Theo sách “Minh Mạng chính yếu” bảo ấn bằng vàng lớn nhất triều Nguyễn là “Sắc mệnh chi bảo” đúc năm 1828 tới 395 lượng.

     Tất cả các ấn văn trên là mệnh lệnh của nhà vua ban ra, để thực thi công việc triều chính. Các ấn văn này đều được đóng trên các chiếu, dụ, sắc, chỉ. Riêng đối với các hoàng tử thì nhà vua ban những chiếc bảo ấn bằng ngà. Thời vua Thiệu Trị đã ban cho Tự Đức, lúc ấy còn là hoàng tử (Hồng Nhậm) một bảo ấn ngà. Đường kính mặt ấn dài gần 10 phân 8, viền vòng ngoài khắc hình hai con rồng uốn lượn châu đầu châu đuôi vào hai hình cầu bốc lửa. Vòng trong khắc 12 chữ triện “Hoan phụng ngũ đại đồng đường nhất thống Thiệu Trị chi bảo” (hiện một số chiếc bảo ấn bằng ngà của triều Nguyễn, còn được lưu giữ ở Viện bảo tàng cổ vật Huế và điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức).

     Gia Long năm thứ 3 (1804) nhà vua cho đúc tiếp ấn Lục Bộ. Ấn khắc 5 chữ “mỗ bộ đường chi ấn”, triện nhỏ thì khắc “Khâm tư Lại chính”, “Khâm tư Hộ chính”, “Khâm tư Lễ điển”, “Khâm tư Binh chính”, “Khâm tư Hành chính”, “Khâm tư Công chính”(3). Năm Minh Mạng thứ 9 (1828) cho phép tri huyện ở các trấn xa kinh đô được dùng ấn bằng đồng để tiện cho việc hành chính: “Những thổ tri huyện… đều vào trật tòng thất phẩm, những thổ tri huyện thừa đều vào trật tòng bát phẩm. Mỗi huyện được cấp cho một cái ấn bằng đồng, một con dấu bằng gỗ”(4).

     Hàng năm, ngoài nghi lễ của triều đình, cứ đến ngày 07 tháng 01 (âm lịch) là ngày khai ấn và ngày 25 tháng Chạp trở lên, triều đình tiến hành lễ Phất Thức (lau chùi các ấn ngọc và vật quý). Các viên quan dự lễ đều mặc áo rộng xanh, dùng nước hương thủy (nước nấu với hoa thơm) để vào rửa những chiếc ấn và lau chùi bằng vải đỏ, rồi để vào tráp như cũ, ngoài dán con niêm bằng lụa trên có đóng dấu 2 chữ “Hoàng phong”(5). Tất cả vàng bạc, châu báu, ấn tín của vua đều cất giữ kín đáo ở trong cung cấm, chỉ có các quan từ nhị phẩm trở lên mới thấy được. Năm Gia Long thứ hai (1803) đặt quan Thượng Bảo Khanh coi giữ các thứ bảo tỷ. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) lại đặt Thượng Bảo Khanh và Thượng Bảo Thiếu Khanh để quản lý những sự vụ tại Văn Thư Phòng. Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), thay Văn Thư Phòng làm Nội Các, chia cho 4 “tào”, tức Thượng Bảo Tào, Ký Chú Tào, Đồ Thư Tào và Biểu Bộ Tào. Theo bản thượng dụ năm 1829, chức trách của Thượng Bảo Tào là coi giữ các loại bảo tỷ, các loại quan phòng, đồ ký, bài ngà của các nha môn, bản phó dụ chỉ, bản thảo chiếu biểu và châu bản các bài ẩn chiếu cùng châu dụ. Phàm chiếu chỉ, dụ chỉ đã được khâm định và các loại chương sớ, sách tịch đã được vua thuận thì cứ theo đó mà hậu bảo (tức đóng dấu)(6). Sau khi chiếm nước ta, Pháp đã ra lệnh nấu chảy ấn của Gia Long. Ấn này do nhà Thanh phong cho vua Gia Long; bằng bạc, mạ vàng, vuông, mỗi bề độ 11 phân tây, nặng 5kg90, trên có hai tay nấm hình con kỳ lân khắc 6 chữ “Việt Nam Quốc vương chi ấn”(7).

     Việc Pháp tiêu hủy chiếc ấn phong vương của nhà Thanh đã bị triều đình Huế lên tiếng phản đối. Trong 5 điều mà triều đinh Huế buộc tội Pháp đã vi phạm đến hòa ước Giáp Thân (1884) có điều: “Nam triều bị bắt buộc phá hủy cái ấn Tàu phong, đáng lẽ nên gửi trả lại nước Tàu hơn là để các sĩ quan dự phá chia nhau cục bạc chỉ đáng giá lối 240 đồng” (8). Cũng cần nói thêm rằng, lúc triều đinh Huế đang bối rối sau cái chết của vua Tự Đức, dẫn đến việc phế lập các vị vua kế tiếp “Tứ nguyệt tam vương” (bốn tháng ba vua), De Courcy ra mặt phủ nhận hòa ước Giáp Thân, buộc phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu phải chủ động đánh Pháp. Kinh đô thất thủ đêm 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885. Cuộc cướp cạn xảy ra sau đó. Sau đây là một đoạn điện cùa De Courcy gửi cho Paris: “… Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim thư giá đáng bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”(9).

     Khi đưa vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, Tôn Thất Thuyết có đem theo chiếc ấn “Ngự tiền chi bảo”. Nhưng khi Đồng Khánh được Pháp đưa lên kế vị vua Hàm Nghi lại cho đúc hai chiếc ấn “Ngự tiền chi bảo” và “Văn lý mật sát bảo” vì ấn “Ngự tiền chi bảo” trước đúc bằng vàng, hình tròn, nay vua cho là ấn ấy đã bị Tôn Thất Thuyết mang đi, nấu lại theo mẫu cũ, e cố sự ngại khác, chuẩn cho làm theo hình bát giác, cho có dấu riêng. .. “Nghĩ xin tạm đem ngà voi chế khác, đợi khi ít việc, sẽ đem vàng chiếu theo mẫu mới để chế làm”(l0).

     Sau biến cố năm 1885, kho tàng vàng bạc cùng nhiều vật quý, như nạm ngọc kim cương, ấn tín của triều đình Huế hầu như cạn kiệt. Những đồ tự khí bằng vàng thờ trong Thế Miếu (Hoàng Thành Huế) đều bị quân Pháp lấy sạch. Chúng ta chạnh lòng nhớ đến câu nói nổi tiếng của Philastre (viên trú sứ thời Tự Đức chuộng công lý và có thiện cảm đối với Việt Nam): “Người An Nam không hề cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Những việc chúng ta làm tại đây chỉ là một tội nghịch nhân loại. Chúng ta bóp chết một nền văn minh rất cổ xưa và rất đáng tính” (l1).

     Chúng tôi đã bước đầu trực tiếp nghiên cứu một số ấn văn đóng trên các văn bản sắc phong tại các đình làng, các nhà thờ họ, phái (chi) phủ đệ và từ đường như đình Kim Long, nhà thờ phái bác Lê Vân ( xã Thủy Xuân), phủ An Thành vương (số 17 đường Chùa ông) nhà thờ Nguyễn Tộc (thôn Vĩnh Xương, xã Điền Môn, huyện Phong Điền). Sau khi tiếp xúc với bác Trần Văn Sừ (tộc trưởng họ Trần) ở xã Thủy Xuân cách Huế 3 km về phía Tây Nam bác đã vui vẻ cho chúng tôi xem 15 tờ sắc phong được cất giữ trong đình làng Dương Xuân Hạ. Trên tất cả các văn bản sắc phong đều có dấu triện son từ thời Minh Mạng đến Khải Định, trong đó có một tờ sắc phong đóng dấu ấn “Sắc tặng chi bảo” đề ngày 26 tháng 7 năm Minh Mạng nguyên niên (1820), 14 tờ còn lại đều đóng dấu ấn “Sắc mệnh chi bảo; dấu ấn hình vuông, kích thước 13,5×13,5cm, mặt bằng của ấn có vành dày 13 mm, bên trong mặt ấn có khắc 4 chữ theo lối triện tự.

     Cũng như đình làng Hạ, nhà thờ Nguyễn Tộc hiện nay vẫn còn bảo lưu 7 tờ sắc phong ban cho ông Nguyễn Tráng, một võ quan dưới triều Tự Đức. Tất cả 7 tờ sắc phong đều đóng dấu ấn triện son “Sắc mệnh chi bảo”.

     Trong 38 tờ sắc phong mà chúng tôi được đọc, có 34 tờ đóng dấu “Sắc mệnh chi bảo”. Như vậy ấn “Sắc mệnh chi bảo” là chiếc bảo ấn của triều đình dùng trong công việc hành chính. Ấn này đóng trên các văn bản sắc phong, các mệnh cho các quan văn võ có công lao, như tờ sắc đề ngày 02 tháng 12 năm Tự Đức thứ 14 phong cho ông Nguyễn Tráng hoặc cho các thần nhân được tôn thờ như thần Xích Mi đình làng Dương Xuân Hạ, có tờ sắc đề ngày 06 tháng 8 Tự Đức năm thứ 3 (1850).

     Trên một trăm năm đã trôi qua, nhưng hầu hết các tờ sắc phong nét chữ ghi bằng mực Tàu vẫn đen nhánh, dấu son vẫn đỏ và giấy bổi vẫn còn nguyên vẹn. Theo tác giả Hồng Hoài Lê Văn Hoàng, ấn “Sắc mệnh chi bảo” mỗi tháng trung bình đóng dấu trên 3.000 đạo sắc, từ khi lập quốc đến nay không bao giờ nhuộm mà vàng vẫn thắm(l3). Nhưng với sức nặng 395 lượng vàng, ngoài viên quan phụ trách chính dĩ nhiên mỗi lần đóng dấu cũng có một hoặc hai ấn quan giúp việc (chức quan bậc trên được dùng ấn đỏ từ tam phẩm trở lên).

     Quốc ấn cũng như các cổ vật khác là những bảo vật vô giá của dân tộc. Giữ gìn, bảo vệ chúng là nhiệm vụ của toàn dân.

STT ẤN VĂN Năm
đúc
Triều đại
(Vua)
Loại văn kiện phải dùng
1 Chế cáo chi bảo 1802 Gia Long Các tờ huấn giới và chiếu lệnh sai phái
các công thần (dùng về việc thăng thụ
từ tước hầu trở xuống)
2 Mệnh đức chi bảo 1802 Gia Long Ban thưởng các quan viên có huấn lao,
có thành tựu khác lạ và tính tình trung thành
3 Quốc gia tín bảo 1802 Gia Long Các văn kiện tuyên triệu tướng soái,
trưng phát sĩ binh
4 Sắc chính vạn dân chi bảo 1802 Gia Long Các tờ sắc văn khuyên giới tứ phương,
tinh biểu các nhân vật hiếu hạnh và tiết nghĩa
5 Thảo tội an dân chi bảo 1802 Gia Long Các tờ chiếu văn sai tướng đánh giặc
6 Văn lý mật sát chi bảo 1803 Gia Long Những nơi sửa chữa, viết thêm và
nơi pháp phùng của các dụ chỉ và chương sớ
7 Ngự tiền chi bảo 1828 Minh Mạng Các dụ chỉ hằng ngày, sớ tấu và sổ sách
8 Hoàng đế chi bảo 1828 Minh Mạng Các tờ dụ cho các bậc huân thần và
các quan viên cao cấp
9 Sắc mệnh chi bảo 1828 Minh Mạng Các loai sắc chiếu, hoặc các chiếu văn phong
tặng các công thần
10 Hoàng đế tôn thần chi bảo 1828 Minh Mạng Sung tiến huy hiệu và thụy hiệu
11 Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo 1848 Tự Đức Chiếu văn ban lệnh chính sóc

     Chú thích:

     1.  Bình Trị Thiên, tháng Tám bốn lăm, Hồi ký, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế. 1985, Tr.45.

     2.  Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, quyển VIII, Thực lục về Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (hạ), Nhà xuất bản Sử học Hà Nội, 1961, Tr170. Lê Đình Cai – 34 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), Nhà xuất bản Đăng Trình, Huế, 1971, tr 18.

     3. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, nhà xuất bảu Sử học, Hà Nội, 1963, tr.132.

     4. Nhu viễn trong Khâm định Đại nam hội điển sự lệ. Tủ sách Viện khảo cổ, bản dịch của Tạ Quang Phát, Bộ Văn hóa Giáo dục, Sài Gòn, 1966, tr47.

     5. Bửu Kế. Chuyện triều Nguyễn, Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế, 1990, tr.45.

     6. Lê Quang Thái: Chiếc ấn vạn thọ vô cương, Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, số 1, 1991, tr32. Mục lục châu bản triều Nguyễn, triều Gia Long, ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện đại học Huế, 1960.

     7. Đại Nam sử lược, quyển hạ, sách chỉ in một bản (năm 1922) để dâng Đông cung Hoàng thái tử. Dẫn theo Phan Khoang. Việt Nam Pháp thuộc sử 1862 – 1945, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, in lần thứ 2, Sài Gòn, 1971, tr.319. Xem thêm Trần Trọng Kim – Việt Nam sử lược, quyển H, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản lần thứ nhất, Sài Gòn, 1971, trang 311.

     8. Dẫn theo Phan Khoang, tr. 338,

     9. Le coups de Force de Hué du 5 Juillet 1885, Le pillage du Palais Impérial. La  Ressistance de Ham Nghi et le règne de Dong Khanh (Cuộc bạo hành tại Huế ngày 5-7-1885. Vụ cướp phá hoàng cung – Cuộc đề kháng của vua Hàm Nghi và triều đình Đồng Khánh) bản dịch của Nguyễn Ngọc Cư, Tập san Sử địa số 14 – 15, Sài Gòn 1969; tr. 15.

     10. Đại Nam thực lục chính biên, đệ lục kỷ I, Tập XXXII, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1977, tr.24.

     11. Nguyên văn: ’’L’Annam, dit-il (Philastre) n’a aucun besoin de nos bon services, et, c’est un crime de lèse – humanité que de vouloir étouffer une civilisation si antique et si vénérable (trích ở bài La legation de France à Huế của A.Delveauuxh dẫn theo Phan Khoang, tr. 257, Phan Thuận An. Một lần mất của Huế xưa, Tập san Văn hóa, sở Thông tin văn hóa B.T.T., số 6 (22), 1987, tr.19.

     Ghi chú: Hình ảnh đại diện cho bài viết do Ban Biên tập sohoakhoahoc.com thực hiện. Trích dẫn hình từ https://baotanglichsu.vn

NguồnDấu tích văn hóa thời Nguyễn (tác giả: Hồ Vĩnh), NXB Thuận Hóa, 1996

Ban Biên tập https://sohoakhoahoc.com

Download file (PDF): Ấn triện thời Nguyễn (Tác giả: Hồ Vĩnh)